Nhiều người không khỏi phân vân khi định đầu tư 150 – 400 triệu đồng cho một cửa hàng sữa chua trân châu, họ có thể bán được vài trăm cốc có thể thu hồi vốn trong 3-4 tháng.
Ồ ạt mở hàng sữa chua trân châu
Nếu như các mô hình trà sữa hay trà chanh bụi đang có dấu hiệu chững lại sau thời gian ồ ạt đổ bộ thị trường và chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì gần đây, một mô hình mới bắt đầu thu hút sự chú ý với nhiều yếu tố đầu tư bài bản hơn so với trước kia, đó là sữa chua trân châu .
Dọc các tuyến phố Hà Nội như Nguyễn Trãi, Vũ Trọng Phụng hay Chùa Láng, không khó để bắt gặp một cửa hàng sữa chua với đủ các thương hiệu khác nhau như sữa chua trân châu Hạ Long, sữa chua trân châu tươi YoFresh hay sữa chua Cô Nghi.
Những cửa hàng khang trang, đầu tư bài bản về không gian quán và biến tấu lạ menu khi cho sữa chua kết hợp với nhiều nguyên liệu như dừa khô, bột trà hay trân châu, bán giá 15.000 – 25.000 đồng/hộp, thay vì giá 5.000 – 10.000 đồng/hộp sữa chua truyền thống hoặc hàng handmade.
Cửa hàng sữa chua trân châu được đầu tư khang trang ngang một cửa hàng trà sữa.
Mỗi thương hiệu đều đã có từ vài chục đến hàng trăm cửa hàng nhượng quyền. Theo thống kê của sữa chua trân châu Hạ Long, thương hiệu này có hơn 100 cửa hàng khắp các tỉnh Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng. Nhiều cửa hàng khác cũng đã gần đạt con số 50, như sữa chua trân châu tươi YoFresh, sữa chua trân châu Quảng Ninh hay Houjicha.
Điều kiện nhượng quyền của sữa chua trân trâu cũng không quá khắt khe như không cần kinh nghiệm làm sản phẩm mà chỉ cần cửa hàng có vị trí tốt, có khả năng thu hút người tiêu dùng… Công ty mẹ sẽ giúp thiết kế, hoàn thiện cửa hàng theo mô hình nhượng quyền, và phí nhượng quyền sẽ tùy thuộc vào mỗi thương hiệu, dao động từ 40 – 60 triệu đồng.
Thậm chí, một số thương hiệu còn cam kết cung cấp cho đối tác nguồn sữa chua với giá ưu đãi khoảng 35.000 – 40.000 đồng/kg, rẻ hơn so với giá thị trường đang là 55.000 đồng/kg, để cửa hàng nhanh có lãi.
Một số nơi cho kết hợp kiot bán bánh mì và xôi để cửa hàng tăng lượng khách.nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang khiến cho sức mua giảm mạnh.
“Tính trung bình, mức đầu tư cho một quán sữa chua dao động 150- 400 triệu đồng. Nếu bán ra ổn định vài trăm ly/ngày, một quán sữa chua trân châu có thể thu hồi vốn sau 3-4 tháng”, đại diện một thương hiệu sữa chua quảng cáo.
Liệu có “sống” tốt?
Mặc dù được quảng cáo khá hấp dẫn, song trên các hội sang nhượng – nhượng quyền kinh doanh, không ít cửa hàng sữa chua trân châu đã phải đóng cửa, chuyển nhượng vì không thể trụ được sau “bão” Covid-19. Điều này khiến không ít người muốn đầu tư mô hình này phân vân có hay không sự bền vững và phát triển của sữa chua trân châu khi đi đường dài.
Theo anh Minh Anh, chủ một chuỗi sữa chua trân châu ở Hà Nội, mô hình này không quá phức tạp và lợi nhuận hấp dẫn, lại vào cao điểm hè nắng nóng nên anh vẫn chọn đầu tư.
“Với số tiền từ 15.000 – 20.000 đồng, thì tệp khách hàng của sữa chua trân châu mở rộng hơn đến học sinh, sinh viên. Ngoài ra, khá nhiều khách văn phòng cũng thích sản phẩm này bởi trong bối cảnh phải cắt giảm chi tiêu thì có vẻ như sữa chua là lựa chọn kinh tế hơn trà sữa có chi phí gấp đôi”, anh Minh Anh chia sẻ.
Mở cửa trở lại sau đợt giãn cách xã hội khoảng 2 tuần nay và triển khai bán hàng online, doanh thu đã khởi sắc hơn song anh này cũng thừa nhận, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng chưa phục hồi sau dịch Covid-19 và sự cạnh tranh của các hàng quán nhỏ lẻ hay chuỗi bé khiến cho cửa hàng vẫn đang giảm doanh thu 30%.
Mô hình dù chuyên nghiệp bài bản cần tới 6 tháng để hòa vốn, thay vì 3-4 tháng như tính toán ban đầu.
“Đừng nhìn vào những số liệu hào nhoáng hay sự phát triển “thần tốc” trong thời gian ngắn mà trước khi nhượng quyền phải tìm hiểu kỹ thương hiệu, mô hình để giảm thiểu rủi ro cho mình. Không phải mô hình nào cũng tồn tại dài hạn và phát triển tốt vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tỉ suất doanh thu, giá thuê mặt bằng và các chi phí về nhân viên.
Một vài thương hiệu nhượng quyền 0 đồng nhưng có chi phí ngầm như nguyên liệu cao hơn”, anh Minh Anh chia sẻ kinh nghiệm.